Thiết kế kiến trúc không chỉ là bước khởi đầu quan trọng trong mọi công trình xây dựng, mà còn là yếu tố quyết định thẩm mỹ, công năng và sự bền vững của không gian sống. Vậy thiết kế kiến trúc là gì? Một bộ hồ sơ thiết kế kiến trúc chuẩn bao gồm những tài liệu nào? Hãy cùng Kiến trúc Hoàng Nhật Anh tìm hiểu về hồ sơ thiết kế kiến trúc nhé!
1. Thiết kế kiến trúc là gì?
Căn cứ khoản 2 và khoản 3, Điều 3 Luật Kiến trúc số 40/2019/QH14, từ ngữ “hoạt động kiến trúc” và “thiết kế kiến trúc” được định nghĩa như sau:
“…2. Hoạt động kiến trúc gồm quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc.
3. Thiết kế kiến trúc là việc lập phương án kiến trúc, thể hiện ý tưởng kiến trúc, giải pháp kỹ thuật về kiến trúc trong hồ sơ thiết kế quy hoạch, xây dựng, thiết kế nội thất, ngoại thất và kiến trúc cảnh quan”.
Có thể thấy, hoạt động kiến trúc bao gồm việc quản lý và hành nghề, trong đó hành nghề kiến trúc được hiểu là hoạt động nghề nghiệp của các tổ chức và cá nhân cung cấp dịch vụ kiến trúc.
Thiết kế kiến trúc được hiểu là quá trình lập phương án, thể hiện ý tưởng và giải pháp, được trình bày trong hồ sơ thiết kế.

2. Tầm quan trọng của thiết kế kiến trúc trong xây dựng không gian sống
2.1 Định hình thẩm mỹ cho không gian
Thiết kế kiến trúc là cơ sở định hình phong cách và thẩm mỹ tổng thể của một công trình, từ kiến trúc, thiết kế nội thất hay ngoại thất cảnh quan. Với xu hướng phát triển công trình kiến trúc dày đặc, các không gian sống xanh và mang tính thẩm mỹ riêng của gia chủ ngày càng bị thu hẹp.
Việc thiết kế kiến trúc đảm bảo sự đồng nhất trong thẩm mỹ của công trình, đồng thời cũng tạo nên một thiết kế phù hợp sở thích, thể hiện cá tính riêng của chủ đầu tư.
2.2 Đảm bảo công năng sử dụng
Khi thiết kế kiến trúc, mỗi không gian cần đáp ứng mục đích sử dụng phù hợp với nhóm người sử dụng chính. Các kiến trúc sư sẽ thực hiện nghiên cứu và tìm hiểu thói quen sử dụng, đề xuất giải pháp thiết kế để đảm bảo các tiện ích, hoạt động trong không gian diễn ra suôn sẻ. Đồng thời, việc thiết kế kiến trúc cũng cần bao gồm giải pháp tối ưu hóa không gian, bố trí ánh sáng, thông gió để mang lại sự tiện nghi, thoải mái cho cư dân hoặc người sử dụng.
2.3 Đảm bảo an toàn và tuân thủ pháp lý
Bản thiết kế kiến trúc đạt chuẩn phải tính toán giải pháp phù hợp cho khu đất và đảm bảo các yêu cầu về kết cấu, kỹ thuật, an toàn phòng cháy chữa cháy, cũng như các tiêu chuẩn quy hoạch theo quy định của pháp luật. Hồ sơ thiết kế kiến trúc đầy đủ thông tin và giải pháp kiến trúc, sẽ giúp công trình tránh được các rủi ro pháp lý, sự cố trong quá trình xây dựng và đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng.
2.4 Tối ưu hóa chi phí xây dựng
Các đơn vị tư vấn kiến trúc như Kiến trúc Hoàng Nhật Anh sẽ đảm bảo thiết kế kiến trúc bảo tồn cảnh quan xung quanh, tránh làm tốn kém chi phí của khách hàng. Việc tối ưu chi phí thiết kế và xây dựng được thể hiện bằng cách lựa chọn vật liệu và giải pháp xây dựng phù hợp thiết kế và ngân sách. Kiến trúc sư có thể ứng dụng công nghệ thông minh hoặc thiết kế tiết kiệm năng lượng để hỗ trợ khách hàng tiết kiệm chi phí vận hành dài hạn sau này.

3. Ai là người có trách nhiệm lập nhiệm vụ thiết kế kiến trúc và thiết kế kiến trúc?
Căn cứ theo Điều 12 Luật Kiến trúc số 40/2019/QH14, đã quy định rõ ràng về hoạt động thiết kế kiến trúc, trong đó bao gồm quy định về người có trách nhiệm lập nhiệm vụ thiết kế kiến trúc và thiết kế kiến trúc.
“1. Chủ đầu tư công trình kiến trúc có trách nhiệm tổ chức lập nhiệm vụ thiết kế kiến trúc và thiết kế kiến trúc.
2. Thiết kế kiến trúc phải do tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện thực hiện theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Thiết kế kiến trúc phải tích hợp giải pháp kiến trúc với quy hoạch; phải xem xét toàn diện các yêu cầu về kinh tế – xã hội, công năng, kỹ thuật, phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bản sắc văn hóa dân tộc và các yêu cầu khác đối với công trình; bảo đảm người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em dễ dàng tiếp cận sử dụng; bảo đảm bình đẳng giới.
4. Hồ sơ thiết kế kiến trúc được sử dụng làm cơ sở cho thiết kế xây dựng sau khi được chủ đầu tư đánh giá, nghiệm thu.
5. Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định chi tiết hồ sơ thiết kế kiến trúc.”
Dựa trên nội dung Khoản 1 Điều 12, người có trách nhiệm tổ chức lập nhiệm vụ thiết kế kiến trúc và thiết kế kiến trúc chính là chủ đầu tư của công trình kiến trúc đó. Thiết kế kiến trúc phải do tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện thực hiện theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật. Các tổ chức, cá nhân thường là cái kiến trúc sư, đơn vị tư vấn thiết kế kiến trúc được đào tạo bài bản, có giấy phép hành nghề và đáp ứng tiêu chuẩn nghề nghiệp thiết kế kiến trúc.
Hồ sơ thiết kế kiến trúc chính là cơ sở cho thiết kế xây dựng để chủ đầu tư đánh giá và nghiệm thu. Các quy định chi tiết về hồ sơ thiết kế kiến trúc do Bộ Xây dựng đề ra.

4. Có bao nhiêu loại hồ sơ thiết kế kiến trúc?
Thông tư số 03/2020/TT-BXD quy định về hồ sơ thiết kế kiến trúc và mẫu chứng chỉ hành nghề kiến trúc đã định nghĩa về hồ sơ kiến trúc như sau: “Hồ sơ thiết kế kiến trúc là thành phần của hồ sơ thiết kế xây dựng được thực hiện thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật xây dựng.”
Cũng theo Điều 2 Thông tư 03/2020/TT-BXD, hồ sơ thiết kế cần bao gồm:
“a) Hồ sơ thiết kế kiến trúc sơ bộ là nội dung kiến trúc trong thiết kế sơ bộ ở giai đoạn báo cáo nghiên cứu tiền khả thi;
b) Hồ sơ thiết kế kiến trúc cơ sở là nội dung kiến trúc trong thiết kế cơ sở ở giai đoạn báo cáo nghiên cứu khả thi;
c) Thiết kế kiến trúc kỹ thuật là nội dung kiến trúc trong thiết kế kỹ thuật ở giai đoạn sau thiết kế cơ sở;
d) Thiết kế kiến trúc bản vẽ thi công là nội dung kiến trúc trong thiết kế bản vẽ thi công ở giai đoạn sau thiết kế cơ sở;
đ) Các hồ sơ thiết kế kiến trúc ở các bước thiết kế khác (nếu có) theo thông lệ quốc tế, tương ứng với các bước thiết kế xây dựng do người quyết định đầu tư quyết định khi quyết định đầu tư dự án”.
Có 2 loại hồ sơ thiết kế kiến trúc là hồ sơ thiết kế kiến trúc sơ bộ và hồ sơ thiết kế kiến trúc cơ sở. Một hồ sơ thiết kế kiến trúc đầy đủ sẽ bao gồm: hồ sơ thiết kế kiến trúc sơ bộ, hồ sơ thiết kế kiến trúc cơ sở, các thiết kế kiến trúc kỹ thuật, bản vẽ thi công. Ngoài ra, hồ sơ thiết kế cũng bao gồm hồ sơ thiết kế kiến trúc ở các bước thiết kế khác (nếu có), tương ứng với các bước thiết kế xây dựng.

5. Hồ sơ thiết kế kiến trúc cơ sở bao gồm những nội dung nào?
Theo Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 03/2020/TT-BXD, hồ sơ thiết kế kiến trúc sơ bộ là nội dung kiến trúc trong thiết kế sơ bộ ở giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi. Trong đó bao gồm:
5. 1. Bản vẽ gồm:
a) Sơ đồ vị trí, địa điểm khu đất xây dựng, số liệu quy mô, tính chất dự án, hiện trạng, ranh giới khu đất, thông tin quy hoạch, hướng, tuyến công trình hạ tầng kỹ thuật hiện hữu và theo quy hoạch được phê duyệt (nếu có), công trình hiện hữu và kiến trúc cảnh quan xung quanh, phân tích mối liên kết giao thông;
b) Các bản vẽ thiết kế ý tưởng kiến trúc thể hiện: dây chuyền công năng, hình khối, đường nét, màu sắc, ánh sáng trên các bản vẽ tổng thể, phối cảnh, mặt bằng, mặt đứng, mặt cắt, nội ngoại thất, mối liên hệ với không gian kiến trúc cảnh quan chung của khu vực.

5.2 Hồ sơ thiết kế kiến trúc cơ sở là nội dung kiến trúc trong thiết kế cơ sở ở giai đoạn nghiên cứu khả thi. Các nội dung được quy định trong Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 03/2020/TT-BXD :
“1. Bản vẽ gồm:
a) Các bản vẽ theo quy định tại khoản 1, Điều 4 Thông tư này;
b) Các bản vẽ giải pháp kiến trúc kết hợp với giải pháp kết cấu, hệ thống trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật.
2. Thuyết minh gồm:
a) Giới thiệu tóm tắt địa điểm xây dựng, quy mô, tính chất dự án; thuyết minh ý tưởng kiến trúc, giải pháp thiết kế kiến trúc, vật liệu sử dụng;
b) Giải pháp thiết kế tổng mặt bằng công trình, vị trí, quy mô xây dựng các hạng mục công trình, hạ tầng kỹ thuật khu vực;
c) Danh mục các quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng;
d) Phụ lục các văn bản pháp luật liên quan đến tính pháp lý của việc lập hồ sơ thiết kế kiến trúc cơ sở”.
Hồ sơ thiết kế kiến trúc cơ sở bao gồm các bản vẽ được yêu cầu trong hồ sơ thiết kế kiến trúc sơ bộ và bổ sung thêm các bản vẽ giải pháp kiến trúc kết hợp kết cấu, hệ thống trang thiết bị và các hạ tầng kỹ thuật khác. Đi kèm với bản vẽ thiết kế là phần thuyết minh về địa điểm, thực trạng, đề xuất ý tưởng và giải pháp, và nêu rõ những quy chuẩn, tiêu chuẩn mà đơn vị tư vấn sử dụng trong thiết kế này.
Nếu cần tìm hiểu thêm thông tin tư vấn, thiết kế và thi công trọn gói, hãy liên hệ Kiến trúc Hoàng Nhật Anh để được tư vấn, giải đáp vấn đề.